HOTLINE : 1900 6446

Sản phẩm dịch vụ
1
Công ty đại chúng có bắt buộc phải xây dựng Quy chế quản trị công ty hay không?

Theo Quy định tại điểm b khoản 3 Điều 41 Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 có quy định "3. Thành phần, cơ cấu, trách nhiệm và nghĩa vụ của Hội đồng quản trị bảo đảm tuân thủ các quy định sau đây:

b) Hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm trước cổ đông về hoạt động của công ty; bảo đảm hoạt động của công ty tuân thủ quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và quy định nội bộ của công ty; xây dựng Quy chế nội bộ về quản trị công ty trình Đại hội đồng cổ đông thông qua; bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty và có các trách nhiệm, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty;"

Mẫu Quy chế nội bộ về quản trị công ty được quy định tại phụ lục II đính kèm thông tư 116/2020/TT-BTC. Công ty đại chúng tham chiếu mẫu này để xây dựng Quy chế nội bộ về quản trị cho công ty.

2
Những nội dung Điều lệ doanh nghiệp bắt buộc phải có và thực hiện theo quy định

Nội dung cần phải có trong Điều lệ công ty được quy định cụ thể tại Khoản 2, Điều 24, Luật Doanh nghiệp 2020 - Điều lệ công ty, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);

b) Ngành, nghề kinh doanh;

c) Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;

d) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá từng loại cổ phần của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần;

đ) Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần;

e) Cơ cấu tổ chức quản lý;

g) Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật;

h) Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;

i) Căn cứ và phương pháp xác định tiền lương, thù lao, thưởng của người quản lý và Kiểm soát viên;

k) Trường hợp thành viên, cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;

l) Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;

m) Trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;

n) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.

Theo quy định tại Điều 3, Thông tư 116/2020/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính Phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng – Điều lệ công ty:

"Công ty đại chúng tham chiếu Điều lệ mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này để xây dựng Điều lệ công ty, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và quy định khác của pháp luật có liên quan."

Điều lệ công ty được coi là “luật riêng” của công ty, trong đó quy định tất cả những vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức, điều hành và hoạt động của công ty, quyền và nghĩa vụ của các cổ đông, giải quyết tranh chấp nội bộ… Điều lệ công ty cổ phần được xây dựng trên cơ sở các văn bản pháp luật cơ bản đó là: Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Đầu tư, Bộ luật Dân sự… và các văn bản hướng dẫn thi hành, không được trái các quy định của pháp luật.

Do đó, khi xây dựng các điều khoản cần chú ý để tránh điều lệ bị vô hiệu do trái với quy định của pháp luật hiện hành. Những nội dung mà pháp luật (Luật Doanh nghiệp, văn bản pháp luật có liên quan) không quy định hoặc cho phép Điều lệ công ty quy định cụ thể, cho phép Điều lệ công ty quy định khác, thì công ty hoàn toàn có quyền quyết định sử dụng nội dung đó và quy định sao cho phù hợp với thực tiễn hoạt động công ty.

3
Số lượng thành viên HĐQT của Công ty có nên áp dụng tối đa theo quy định của Luật Doanh nghiệp?

s Theo quy định tại Khoản 1, Điều 154, Luật Doanh nghiệp 2020 - Nhiệm kỳ và số lượng thành viên HĐQT: “HĐQT có từ 3 đến 11 thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng thành viên HĐQT”.

Như vậy, số lượng thành viên tối đa của HĐQT công ty cổ phần là 11 thành viên. Căn cứ trên quy định của pháp luật cũng như nhu cầu cụ thể của công ty và cổ đông (quy mô, mức độ phức tạp của các vấn đề cần ra quyết định); chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của HĐQT (quy định trong điều lệ, quy chế quản trị), doanh nghiệp xác định cơ cấu, quy mô số lượng cụ thể thành viên HĐQT để đảm bảo: tổ chức các cuộc thảo luận có hiệu quả và có tính chất xây dựng; đưa ra quyết định kịp thời hợp lý; tổ chức một cách hiệu quả công việc của các ủy ban trực thuộc HĐQT.

Để tránh những bất đồng có thể xảy ra, điều lệ, quy chế quản trị công ty cần quy định cụ thể số lượng, cơ cấu thành phần HĐQT, quyền, nghĩa vụ, cách thức tổ chức và phối hợp hoạt động của các thành viên trong HĐQT.

Ngoài ra, để sắp xếp lịch tổ chức lịch họp HĐQT được hiệu quả, HĐQT nên xây dựng lịch họp thường kỳ; đề ra chương trình nghị sự, gửi tài liệu trước cũng như tạo điều kiện cho các thành viên HĐQT tham dự và biểu quyết tại cuộc họp bằng các hình thức khác như: ủy quyền người khác đến dự họp, tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến hoặc các hình thức tương tự khác (gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua thư, fax, thư điện tử).

4
Doanh nghiệp cần phải tuân thủ những quy định pháp luật nào và nên tập trung vào những nội dung gì để cải thiện hệ thống quản trị công ty?

Theo IFC (International Finance Corporation) – Tổ chức Tài chính Quốc tế, có 4 cấp độ và lợi ích của Quản trị công ty hiệu quả. Bước đầu tiên để thực hiện quản trị công ty tốt các doanh nghiệp phải thực hiện từ Cấp độ 1 - Tuân thủ pháp luật và các quy định dưới luật: đảm bảo quyền của các cổ đông; đối xử công bằng với các cổ đông; đảm bảo vai trò của các bên có quyền lợi liên quan; công bố thông tin và tính minh bạch; đảm bảo trách nhiệm của Hội đồng quản trị.

Doanh nghiệp (Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc) cần tập trung xây dựng và ban hành các tài liệu nội bộ về quản trị công ty, trong đó có thể tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn cao hơn áp dụng cho công ty niêm yết:

- Điều lệ công ty theo luật Doanh nghiệp 2020, điều lệ mẫu - phụ lục đính kèm Thông tư 116/2020/TT-BTC và các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Quy chế quản trị công ty theo Thông tư 116/2020/TT-BTC áp dụng cho các công ty đại chúng.

- Các quy định nội bộ khác (quy tắc đạo đức kinh doanh, nội quy lao động, quy định tài chính, đầu tư, quản trị rủi ro…)

- Tuân thủ các nghĩa vụ về công bố thông tin theo Thông tư 96/2015/TT-BTC - Hướng dẫn Công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Về quản trị công ty, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ quy định trong Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán và các nghị định hướng dẫn thi hành (Nghị định 155/2020/NĐ-CP); Thông tư 96/2020/TT-BTC - Hướng dẫn Công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, các quy định của pháp luật chuyên ngành nếu có…

5
Sau khi Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới được bầu tại Đại hội đồng cổ đông, thì sau bao lâu phải họp buổi họp đầu tiên? Khi nào bầu Chủ tịch HĐQT và Trưởng Ban kiểm soát?"

Theo quy định tại khoản 1, Điều 157 Luật doanh nghiệp 2020 - Cuộc họp Hội đồng quản trị:

“Chủ tịch Hội đồng quản trị được bầu trong cuộc họp đầu tiên của Hội đồng quản trị trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc bầu cử Hội đồng quản trị đó. Cuộc họp này do thành viên có số phiếu bầu cao nhất hoặc tỷ lệ phiếu bầu cao nhất triệu tập và chủ trì. Trường hợp có nhiều hơn một thành viên có số phiếu bầu hoặc tỷ lệ phiếu bầu cao nhất và ngang nhau thì các thành viên bầu theo nguyên tắc đa số để chọn 01 người trong số họ triệu tập họp Hội đồng quản trị."

Như vậy, Chủ tịch HĐQT sẽ do các thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới bầu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc bầu cử HĐQT nhiệm kỳ đó (tính từ ngày có hiệu lực của Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thông qua danh sách thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới).

Luật Doanh nghiệp không có quy định về việc Trưởng ban kiểm soát phải được bầu trong thời hạn bao lâu kể từ ngày kết thúc bầu cử Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, tuy nhiên, Điều lệ công ty nên quy định thời hạn bầu Trưởng ban kiểm soát cùng với thời hạn bầu Chủ tịch HĐQT, để Ban kiểm soát có thể nhanh chóng ổn định cơ cấu tổ chức, thực hiện nhiệm vụ giám sát khi HĐQT nhiệm kỳ mới đã đi vào hoạt động.

6
Phiên họp HĐQT có thể được tổ chức theo hình thức trực tuyến được không? Phương thức ghi nhận Biên bản cuộc họp như thế nào?

Theo quy định tại khoản 9, Điều 157, Luật Doanh nghiệp 2020 - Cuộc họp hội đồng quản trị:

"Thành viên Hội đồng quản trị được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp trong trường hợp sau đây:

a) Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp;

b) Ủy quyền cho người khác đến dự họp và biểu quyết theo quy định tại khoản 11 Điều này;

c) Tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác;

d) Gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua thư, fax, thư điện tử;

đ) Gửi phiếu biểu quyết bằng phương tiện khác theo quy định trong Điều lệ công ty."

Như vậy, Hội đồng quản trị có thể thực hiện phương thức họp hội nghị trực tuyến để các thành viên có thể đưa ra những ý kiến và biểu quyết các vấn đề tại cuộc họp. Luật Doanh nghiệp cũng khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí tối đa cho doanh nghiệp và tăng tỷ lệ thành công khi tổ chức họp Hội đồng quản trị hay họp Đại hội đồng cổ đông.

Về biên bản cuộc họp Hội đồng quản trị, theo quy định tại Điều 158, Luật Doanh nghiệp 2020 - Biên bản họp hội đồng quản trị, theo đó Biên bản họp Hội đồng quản trị phải lập bằng tiếng Việt và có thể lập thêm bằng tiếng nước ngoài, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp;

b) Thời gian, địa điểm họp;

c) Mục đích, chương trình và nội dung họp;

d) Họ, tên từng thành viên dự họp hoặc người được ủy quyền dự họp và cách thức dự họp; họ, tên các thành viên không dự họp và lý do;

đ) Vấn đề được thảo luận và biểu quyết tại cuộc họp;

e) Tóm tắt phát biểu ý kiến của từng thành viên dự họp theo trình tự diễn biến của cuộc họp;

g) Kết quả biểu quyết trong đó ghi rõ những thành viên tán thành, không tán thành và không có ý kiến;

h) Vấn đề đã được thông qua và tỷ lệ biểu quyết thông qua tương ứng;

i) Họ, tên, chữ ký chủ tọa và người ghi biên bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Chủ tọa và người ghi biên bản phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của nội dung biên bản họp hội đồng quản trị. Trong trường hợp tổ chức họp trực tuyến, công ty có thể áp dụng thêm hình thức ghi âm hay ghi hình để khẳng định những nội dung tại cuộc họp được ghi nhận trong biên bản cuộc họp là chính xác, trung thực.

7
Doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn điều lệ nhỏ hơn 100 tỷ đồng có nên lập các tiểu ban trực thuộc HĐQT như khuyến nghị của OECD. DN có thể tham khảo những mô hình nào để có thể vừa tiết kiệm chi phí vừa tăng tính chuyên nghiệp của HĐQT?

Pháp luật không quy định bắt buộc các công ty phải thành lập ủy ban/ tiểu ban trực thuộc Hội đồng quản trị. Tuy nhiên theo Điều 31 Phụ lục I Điều lệ mẫu áp dụng với Công ty đại chúng tại Thông tư 116/2020/TT-BTC – Các tiểu ban thuộc Hội đồng quản trị có khuyến nghị các công ty niêm yết cần thành lập các tiểu ban để hỗ trợ hoạt động của Hội đồng quản trị, cụ thể:

Hội đồng quản trị có thể thành lập tiểu ban trực thuộc để phụ trách về chính sách phát triển, nhân sự, lương thưởng, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro. Số lượng thành viên của tiểu ban do Hội đồng quản trị quyết định có tối thiểu là 03 người bao gồm thành viên của Hội đồng quản trị và thành viên bên ngoài. Các thành viên độc lập Hội đồng quản trị/thành viên Hội đồng quản trị không điều hành nên chiếm đa số trong tiểu ban và một trong số các thành viên này được bổ nhiệm làm Trưởng tiểu ban theo quyết định của Hội đồng quản trị. Hoạt động của tiểu ban phải tuân thủ theo quy định của Hội đồng quản trị. Nghị quyết của tiểu ban chỉ có hiệu lực khi có đa số thành viên tham dự và biểu quyết thông qua tại cuộc họp của tiểu ban.

Việc thực thi quyết định của Hội đồng quản trị, hoặc của tiểu ban trực thuộc Hội đồng quản trị phải phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và quy định tại Điều lệ công ty, Quy chế nội bộ về quản trị công ty.

Việc có nên thành lập các tiểu ban để hỗ trợ Hội đồng quản trị hay không phụ thuộc vào quy mô, mức độ phức tạp, mức độ chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ cũng như yêu cầu về tính khách quan, minh bạch của các vấn đề cần Hội đồng quản trị ra quyết định. Hội đồng quản trị chỉ nên thành lập các tiểu ban khi nảy sinh các nhu cầu, bắt đầu bằng những ủy ban/ tiểu ban thiết yếu nhất như Tiểu ban kiểm toán nội bộ, tiểu ban Lương thưởng,….

Trường hợp các công ty không thành lập các tiểu ban thì Hội đồng quản trị cử thành viên Hội đồng quản trị độc lập phụ trách riêng về từng vấn đề. Trong cả hai trường hợp, dù thành lập ủy ban/ tiểu ban hay cử thành viên Hội đồng quản trị độc lập phụ trách từng vần đề thì điều lệ hay quy chế quản trị công ty cũng cần quy định rõ thành phần, chức năng, phạm vi và quy trình hoạt động của ủy ban hoặc thành viên Hội đồng quản trị độc lập này.

8
Doanh nghiệp sẽ hoạt động như thế nào nếu không có Ban kiểm soát?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 137 Luật doanh nghiệp 2020:

"1. Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:

a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành."

Như vậy, trường hợp Công ty cổ phần hoạt động theo mô hình không có Ban kiểm soát (mà không thuộc trường hợp không bắt buộc có Ban kiểm soát) thì phải thành lập Ủy ban kiểm toán trực thuộc HĐQT.

9
HĐQT có quyền quyết định các hợp đồng giao dịch phát sinh với công ty mẹ sở hữu từ 51% vốn điều lệ công ty hay không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Doanh nghiệp 2020:

“3. Đại hội đồng cổ đông chấp thuận hợp đồng, giao dịch sau đây:

b) Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó.”

Như vậy, trường hợp Công ty phát sinh hợp đồng giao dịch với công ty mẹ sở hữu từ 51% vốn điều lệ mà giao dịch này có giá trị đến 10% tổng giá trị tài sản của Công ty thì HĐQT có quyền quyết định, nếu vượt quá giá trị này HĐQT có trách nhiệm trình ĐHĐCĐ thông qua. HĐQT trình dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc giải trình về nội dung chủ yếu của hợp đồng, giao dịch tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trường hợp này, cổ đông có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết; hợp đồng, giao dịch được chấp thuận theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 148 của Luật Doanh nghiệp 2020, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

10
Pháp luật quy định như thế nào về việc chi trả thù lao cho các thành viên Hội đồng quản trị?

Theo quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều 163 Luật doanh nghiệp 2020, trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của thành viên Hội đồng quản trị được trả theo quy định sau đây:

"a) Thành viên Hội đồng quản trị được hưởng thù lao công việc và thưởng. Thù lao công việc được tính theo số ngày công cần thiết hoàn thành nhiệm vụ của thành viên Hội đồng quản trị và mức thù lao mỗi ngày. Hội đồng quản trị dự tính mức thù lao cho từng thành viên theo nguyên tắc nhất trí. Tổng mức thù lao và thưởng của Hội đồng quản trị do Đại hội đồng cổ đông quyết định tại cuộc họp thường niên;

b) Thành viên Hội đồng quản trị được thanh toán chi phí ăn, ở, đi lại và chi phí hợp lý khác khi thực hiện nhiệm vụ được giao;"

Theo thông lệ quản trị công ty tốt thì chính sách thù lao HĐQT cần gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh, với lợi ích lâu dài của công ty và cổ đông. Trong đó mức thù lao cần có sự phân biệt giữa các thành viên HĐQT điều hành và thành viên HĐQT không điều hành; cũng như cần phù hợp - không quá cao để đảm bảo tính độc lập của thành viên HĐQT độc lập, không quá thấp để đảm bảo tính cạnh tranh, thu hút được những cá nhân có năng lực. Trong chính sách này, cần đưa ra các tiêu chí để có thể đo lường, đánh giá được hiệu quả công việc của từng thành viên HĐQT, gắn thù lao với trách nhiệm, kết quả công việc của từng thành viên HĐQT.

Chẳng hạn, thù lao thành viên HĐQT có thể bao gồm:

- Một khoản thù lao, tiền lương (trong trường hợp kiêm nhiệm điều hành) thường kì.

- Một khoản thù lao cho việc tham gia các cuộc họp của HĐQT.

- Một khoản thù lao cho những công việc làm thêm (ví dụ công việc trong các ủy ban HĐQT).

- Một khoản thù lao cho trách nhiệm bổ sung (chẳng hạn cho vai trò chủ tịch HĐQT hoặc chủ tịch một ủy ban/ tiểu ban trực thuộc HĐQT).

Chính sách thù lao đối với HĐQT nên được xây dựng, giám sát thực hiện bởi một ủy ban đặc biệt của HĐQT- Ủy ban lương thưởng, bao gồm đa số các thành viên HĐQT độc lập, và do một thành viên HĐQT độc lập làm chủ tịch. HĐQT có trách nhiệm công bố đầy đủ các khoản thù lao của từng thành viên HĐQT trong báo cáo thường niên, báo cáo tài chính hàng năm của công ty, và báo cáo tại Đại hội đồng cổ thương niên của công ty.

11
Thu nhập của Tổng giám đốc có báo cáo công khai hay không?

Khoản 3 Điều 163 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau: "3. Thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác được tính vào chi phí kinh doanh của công ty theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty và phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên."

Theo đó, tiền lương và thù lao của Tổng giám đốc phải được báo cáo trước ĐHĐCĐ thường niên và phải được thể hiện thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hằng năm của công ty. Đây cũng là hai loại tài liệu nằm trong phạm vi công bố thông tin định kỳ của các công ty đại chúng, do đó, các công ty đại chúng bắt buộc phải công bố thông tin về thu nhập của Tổng giám đốc

12
Doanh nghiệp cần chú ý gì trong việc thực hiện và công bố “giao dịch với các bên liên quan” vì gần đây có nhiều trường hợp DN bị xử phạt vì vấn đề này?

Theo quy định khoản 1, 2, 3 Điều 167 Luật Doanh nghiệp 2020:

"1. Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan sau đây:

a) Cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và người có liên quan của họ;

b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;

c) Doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của Luật này.

2. Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng, giao dịch theo quy định khoản 1 Điều này và có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết.

3. Đại hội đồng cổ đông chấp thuận hợp đồng, giao dịch sau đây:

a) Hợp đồng, giao dịch khác ngoài hợp đồng, giao dịch quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó."

Khoản 4, 5 Điều 293 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định:

"4. Công ty đại chúng chỉ được thực hiện các giao dịch sau đây khi đã được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận:

a) Cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), người quản lý khác không phải là cổ đông và những cá nhân, tổ chức có liên quan của các đối tượng này;

Trường hợp cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho tổ chức có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), người quản lý khác mà công ty đại chúng và tổ chức đó là các công ty trong cùng tập đoàn hoặc các công ty hoạt động theo nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế, Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua theo quy định tại Điều lệ công ty;

b) Giao dịch có giá trị từ 35% trở lên hoặc giao dịch dẫn đến tổng giá trị giao dịch phát sinh trong vòng 12 tháng kể từ ngày thực hiện giao dịch đầu tiên có giá trị từ 35% trở lên tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty giữa công ty đại chúng với một trong các đối tượng sau:

- Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), người quản lý khác và người có liên quan của các đối tượng này;

- Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng vốn cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ;

- Doanh nghiệp có liên quan đến các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 164 Luật Doanh nghiệp;

c) Hợp đồng, giao dịch vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó.

5. Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng, giao dịch tại điểm c khoản 4 Điều này có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty."

Doanh nghiệp (Công ty đại chúng, đại chúng quy mô lớn, tổ chức niêm yết) khi thực hiện công bố thông tin về vấn đề này cần lưu ý các vấn đề sau:

- Khái niệm người có liên quan trong quy định này áp dụng theo quy định tại Khoản 23 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 và khoản 46 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 và kê khai danh sách Người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 Luật doanh nghiệp 2020.

- Thẩm quyền phê chuẩn các hợp đồng, giao dịch của người nội bộ, người có liên quan với công ty: thuộc thẩm quyền của HĐQT hoặc ĐHĐCĐ.

- Thời hạn công bố thông tin: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi "Quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người nội bộ, người có liên quan của người nội bộ hoặc người có liên quan của công ty đại chúng” theo quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2020/TT-BTC - Công bố thông tin bất thường.

- Phương tiện công bố thông tin: theo quy định tại khoản 1, 4 Điều 7 Thông tư 96/2020/TT-BTC bao gồm: a) Trang thông tin điện tử (website) của tổ chức là đối tượng công bố thông tin; b) Hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; c) Trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán, phương tiện công bố thông tin khác theo Quy chế của Sở giao dịch chứng khoán.